I. Các dạng ký hiệu trên sản phẩm nhựa thường gặp
Các ký hiệu được in trên các sản phẩm nhựa nhằm mục đích cung cấp những thông tin hữu ích giúp người tiêu dùng sử dụng đúng cách và đảm bảo an toàn.
Có 3 loại ký hiệu thường gặp bao gồm:
- Ký hiệu tái chế.
- Mã nhận dạng vật liệu.
- Ký hiệu an toàn và hướng dẫn sử dụng.
A. Ý nghĩa kí hiệu tái chế
Các biểu tượng tái chế mang ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý chất thải. Chúng cung cấp thông tin về khả năng tái chế, trách nhiệm và khả năng phân hủy.
Biểu tượng tái chế thông dụng
1. Biểu tượng tái chế
Biểu tượng thường gặp nhất mà mọi người hay gọi “biểu tượng tái chế” có tên gọi chính xác là “vòng lặp mobius“. Nó bao gồm ba mũi tên tạo thành hình tam giác; biểu thị rằng sản phẩm hoặc bao bì có thể tái chế được. Tuy nhiên, điều đó không đảm bảo rằng nó sẽ được chấp nhận tái chế ở mọi khu vực. Vòng lặp Mobius đóng vai trò như một lời nhắc nhở người tiêu dùng kiểm tra các nguyên tắc tái chế tại địa phương của họ trước khi vứt bỏ sản phẩm đó.
2. Biểu tượng “chấm xanh”
Biểu tượng “chấm xanh” hay tiếng anh gọi là “Green Dot“. Biểu tượng này không có nghĩa là sản phẩm có thể tái chế được. Thay vào đó, nó biểu thị rằng nhà sản xuất đã đóng góp tài chính cho chương trình tái chế. Biểu tượng Green Dot chủ yếu được sử dụng ở Châu Âu và đóng vai trò như một lời nhắc nhở về trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc quản lý chất thải do sản phẩm của họ tạo ra.
3. Biểu tượng “Có thể phân hủy”
Biểu tượng có thể phân hủy dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới trong những năm gần đây nhờ những tiến bộ trong việc phát triển nhựa phân hủy sinh học. Nó đại diện cho các sản phẩm có thể phân hủy thành phân trộn, góp phần tạo ra dòng chất thải hữu cơ. Biểu tượng này đảm bảo rằng các vật dụng có thể phân hủy được xử lý đúng cách, và không gây hại tới môi trường.
B. Mã nhận dạng vật liệu
Mã nhận dạng vật liệu (RIC) có dạng biểu tượng tái chế (3 mũi tên đi theo hình tam giác) có chứa một con số bên trong. Ký hiệu này không biểu thị số lần nhựa đã được tái chế như mọi người lầm tưởng. Thay vào đó ký hiệu được sử dụng để phân biệt các loại nhựa khác nhau dựa trên đặc tính của chúng.
Mỗi con số đại diện cho thành phần hóa học của nhựa, dựa vào đó mà có cách tái chế và xử lý khác nhau. Người dùng cũng có thể dựa vào ký hiệu này để phân biệt được sản phẩm được làm từ nhựa gì.
Số 1 – Nhựa PET
Nhựa PET (Polyethylene terephthalate) hay còn gọi là nhựa số 1 là một trong những loại nhựa phổ biến nhất được sử dụng để sản xuất bao bì thực phẩm và đồ uống. Pet được sử dụng cho các chai nhựa cứng, trong suốt thường được sử dụng để đóng gói nước, soda và thực phẩm. Loại nhựa này nhẹ, bền và có đặc tính rào cản khí tốt. Nó được tái chế rộng rãi và được sử dụng để sản xuất chai và sợi polyester mới.
Để đảm bảo sức khỏe người sử dụng nên lưu ý:
- Không nên tái sử dụng nhựa PET
- Không sử dụng để đựng nước hay thực phẩm ở nhiệt độ cao trên 50oC
- Không cho vào lò vi sóng
SỐ 2 – Nhựa HDPE
Nhựa HDPE (High-density polyethylene) hay còn gọi là nhựa số 2 là loại nhựa cứng dùng để sản xuất các loại hộp nhựa cứng, đục. HDPE thường được sử dụng cho chai đựng các sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm và đồ vệ sinh cá nhân; Nó cũng được sử dụng để làm chai sữa, thùng và xô nhựa. Đặc tính cứng của nhựa HDPE làm cho nó trở nên lý tưởng cho các sản phẩm nhựa chịu mài mòn. HDPE còn có khả năng kháng hóa chất và có đặc tính chống ẩm tuyệt vời. Nó được tái chế thành nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm cả gỗ nhựa và đường ống.
Nhựa HDPE có thể chịu được nhiệt độ 110oC, có thể cho vào lò vi sóng ở mức công suất thấp (<800W). Khi tái sử dụng cần lưu ý cần phải vệ sinh thật kĩ vì loại nhựa này khó làm sạch, dễ lưu lại vi khuẩn còn sót gây hại tới sức khỏe.
Số 3 – Nhựa PVC - Không dùng để đựng thực phẩm
Nhựa PVC (Polyvinyl chloride) hay nhựa số 3 thường được sử dụng cho các sản phẩm nhựa dẻo và cứng, chẳng hạn như ống, sàn nhựa vinyl và khung cửa sổ. PVC có khả năng kháng hóa chất tốt nhưng không dễ tái chế. Nó thường được sử dụng trong ngành xây dựng và ô tô.
Nhựa PVC là loại nhựa giá rẻ, chứa các phụ gia độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy cần phải lưu ý :
- Không sử dụng để bọc thực phẩm.
- Không được cho vào lò vi sóng.
- Không mua cho bé đồ chơi làm từ nhựa PVC.
Số 4 – Nhựa LDPE
Nhựa LDPE (Low-density polyethylene) hay nhựa số 4 là một loại nhựa mềm, thường được sử dụng để sản xuất túi nilon, vỏ bánh kẹo, chai lọ đựng mỹ phẩm. LDPE có khả năng chống ẩm và hóa chất nên thích hợp cho các ứng dụng đóng gói. LDPE là một trong những loại nhựa được tái chế phổ biến nhất.
Lưu ý : Không cho nhựa LDPE vào lò vi sóng vì dễ nóng chảy, gây hại tới sức khỏe.
Số 5 – Nhựa PP
Nhựa PP (Polypropylene), nhựa số 5 có rất nhiều ứng dụng trong đời sống, sử dụng cho các sản phẩm nhựa cứng và dẻo, bao gồm hộp đựng thực phẩm, phụ tùng ô tô và vật liệu đóng gói. PP có khả năng chịu nhiệt tuyệt vời và thường được tái chế thành vỏ pin, đèn tín hiệu và sợi.
Nhựa PP là dòng nhựa an toàn, không mùi, có thể sử dụng để trữ đồ ăn trong tủ lạnh. Nhựa PP có thể chịu nhiệt lên tới 170oC nên có thể sử dụng trong lò vi sóng.
Số 6 – Nhựa PS - Không dùng để đựng thực phẩm
Nhựa số 6, nhựa PS (Polystyrene) là loại nhựa dễ gia công, tạo màu. Nhựa PS thường được dùng để sản xuất hộp xốp đựng thực phẩm, ly nhựa, bát nhựa, khay bánh kẹo dùng 1 lần. Ngoài ra nhựa PS còn dùng để sản xuất các thiết bị điện tử như ổ cắm, công tắc hay đĩa CD.
Nhựa PS rất dễ biến dạng và sinh ra các chất độc hại nếu tiếp xúc với nhiệt độ trên 80oC. Do đó không được sử dụng nhựa PS để đựng nước sôi, thức ăn nóng hoặc quay trong lò vi sóng. Ngoài ra, cũng không được dùng đựng đồ có chất acid mạnh, chất kiềm mạnh. Chính vì thế, loại nhựa này không được phép dùng để đựng đồ ăn thức uống lâu dài.
Số 7 – Other - Không dùng để đựng thực phẩm
Nhựa số 7 bao gồm những loại nhựa còn lại, trong đó phổ biến nhất là nhựa PC và nhựa Tritan.
+ Nhựa PC thường được sử dụng để sản xuất các loại bình nước, bình sữa, hộp đựng thực phẩm. Loại nhựa này có chứa chất BPA gây ung thư tuy nhiên chất BPA an toàn ở mức được cho phép.
+ Nhựa Tritan có độ trong suốt như thủy tinh, khi rơi khó vỡ, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người sử dụng, thường dùng làm bình đựng nước, hộp đựng thực phẩm, ly đựng nước,…
Khi sử dụng sản phẩm thuộc nhựa số 7 bạn nên chọn sản phẩm có in kèm chữ BPA free – đảm bảo an toàn không chứa chất gây ung thư.
C. Ký hiệu an toàn và hướng dẫn sử dụng
Ngoài những ký hiệu con số để phân biệt các loại nhựa, các sản phẩm làm bằng nhựa thường được in thêm các ký hiệu khác giúp sử dụng an toàn bảo vệ cho sức khỏe:
Ký hiệu an toàn trên sản phẩm nhựa đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Những biểu tượng này cung cấp thông tin quan trọng về các mối nguy tiềm ẩn liên quan đến sản phẩm, nhắc nhở trực quan về các biện pháp phòng ngừa cần thực hiện khi sử dụng sản phẩm.
- Biểu tượng lò vi sóng (dòng chữ Microwave Safe): có thể sử dụng được trong lò vì sóng.
- Biểu tượng ly, dĩa : an toàn khi đựng thực phẩm.
- Biểu tượng bông tuyết : có thể sử dụng trong tủ đông.
- BPA free : Không chứa BPA – chất gây ung thư.
- Biểu tượng máy rửa bát : sử dụng được trong máy rửa bát.
Trên đây là các thông tin chia sẻ về các ký hiệu phổ biến in trên sản phẩm nhựa giúp cho bạn hiểu hơn về sản phẩm được sản xuất từ nhựa. Qua bài viết này hi vọng bạn có thể nắm được cách sử dụng cũng như phân biệt được các sản phẩm nhựa tốt, an toàn cho sức khỏe cho mọi thành viên của gia đình.